Năm 2021, người dân có thể làm thủ tục cấp sổ đỏ tại nhà. Nghị định 148/2020 của Chính phủ có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới liên quan đến việc cấp sổ đỏ, trong đó người dân có thể yêu cầu làm sổ đỏ nhanh, tại nhà theo nhu cầu song phải đáp ứng thời gian theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Thêm cơ quan được quyền cấp sổ đỏ
Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP (Nghị định 148) sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 8/2/2021, trong đó quy định nhiều điểm mới liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho người dân.
Thứ nhất, Nghị định 148 có hiệu lực sẽ có thêm một cơ quan nữa được quyền cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Cụ thể, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Nghị định 148.
Theo đó, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ là Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (hiện nay, tại Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ quy định Văn phòng đăng ký đất đai);
Với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh sẽ tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện sẽ tiếp nhận hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Năm 2021, người dân có thể làm thủ tục cấp sổ đỏ tại nhà
Thứ hai, Nghị định 148 cho phép người dân có thể yêu cầu làm sổ đỏ nhanh, tại nhà theo nhu cầu song phải đáp ứng thời gian theo quy định của UBND cấp tỉnh từ 8/2/2021.
Theo đó, liên quan đến việc nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, Nghị định 148 đã bổ sung nội dung: Đối với trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do UBND cấp tỉnh quy định.
Địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa thì thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa, trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất, cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận tại địa điểm ngoài trụ sở Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Dồn điền đổi thửa không còn được cấp đổi sổ đỏ
Thứ ba, Nghị định 148 quy định một trong những trường hợp được cấp đổi sổ đỏ cũng như cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng đã cấp là “do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất”.
Trước đây theo điểm c khoản 1 Điều 76 Nghị định 43 quy định trường hợp trên còn bao gồm “do dồn điền đổi thửa”.
Nghị định 48 cũng quy định về việc làm sổ đỏ mới khi dồn điền đổi thửa trong trường hợp đất bị thế chấp.
Theo đó, khi thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dồn điền đổi thửa, trong trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đang bị thế chấp tại ngân hàng thì người sử dụng đất phải nộp bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho sổ đỏ đã cấp để làm thủ tục cấp sổ đỏ mới.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp sổ đỏ cho tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp sổ đỏ, xác nhận việc đăng ký thế chấp vào sổ đỏ sau khi được cơ quan có thẩm quyền ký cấp.
Việc trao sổ đỏ được thực hiện đồng thời giữa ba bên gồm Văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất và tổ chức tín dụng.
Trong đó, người sử dụng đất phải ký, nhận sổ đỏ mới từ Văn phòng đăng ký đất đai để trao cho tổ chức tín dụng nơi đang nhận thế chấp; tổ chức tín dụng có trách nhiệm trao sổ đỏ cũ đang thế chấp cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
Thứ tư, Nghị định 148 sửa đổi khoản 4 và khoản 5 Điều 87 của Nghị định 43 về việc thu hồi sổ đỏ đã cấp không đúng quy định. Trong đó bổ sung một quy định như sau:
Cơ quan có thẩm quyền thu hồi sổ đỏ trong các trường hợp thu hồi sổ đỏ theo bản án, quyết định của Tòa án; theo kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra; theo thông báo của người sử dụng đất, theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ tại thời điểm thu hồi sổ đỏ.
Nguồn Tienphong.vn